TẠI SAO LẠI DÙNG TỪ TỶ TRỌNG ?
Trần Đại Minh - ORBITEC
Khi rảnh rỗi, tôi nhàn đàm với các đồng nghiệp ORBITEC một phần là để thư giãn, phần khác cũng là vì nhận thấy ORBITEC đã chọn con đường phát triển chuyên nghiệp nên mọi việc - dù nhỏ đến lớn - cũng đều phải chuyên nghiệp, mà qua những chuyện nhàn đàm tản mạn như thế này biết đâu có thể góp được một việc nhỏ cho việc lớn đó chăng.
Trong phần nhàn đàm này tôi muốn bày tỏ rằng nếu mình cứ Tỷ trọng tùy tiện thì không thể nào trở thành chuyên nghiệp được. Mong các đồng nghiệp xem có phải như thế không.
Tỷ trọng là một khái niệm vật lý dùng để so sánh tương đối giữa trọng lượng riêng của một chất bất kỳ với trọng lượng riêng của nước, qua đó biết được chất đó nặng hơn hay nhẹ hơn nước. Nó được biểu thị dưới dạng không có thứ nguyên – ngầm hiểu là LẦN, chứ không phải là PHẦN TRĂM (%). Khái niệm này được dạy ngay từ bậc trung học phổ thông.
Khoảng 10 năm trở lại đây, không rõ từ đâu, Tỷ trọng được sính dùng cả trong lĩnh vực Kinh tế-Văn hóa-Xã hội : từ một bài phát biểu-diễn văn, XÃ HỘI nghe thấy lạ tai, hay hay và thế là XÃ HỘI dùng - dùng đến mức mà giờ đây nó hiện diện không chỉ trong giao tiếp thông thường mà còn cả trong những văn bản chính thức của các cơ quan công-quyền :
“- Tỷ trọng công nghiệp chiếm ...% trong tổng sản phẩm quốc nội “ ;
“- Ở một vài địa phương, số hộ nghèo vẫn còn nhiều - chiếm tỷ trọng trên ...% “ ;
“- Số học sinh bỏ học còn chiếm tỷ trọng đáng buồn - ...% “ ;
“- Lưu thông tiền mặt chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động kinh tế – trên ...%” ;
“- …” – và còn nhiều nữa.
Còn trên một số bài đăng đàn :
"- Cô ấy được bình chọn là Người có thể hình đẹp nhất vì vòng ba chiếm Tỷ trọng quyết định";
"- Tình dục là yếu tố giúp duy trì quan hệ bền chặt của các cặp vợ chồng, giúp giảm Tỷ trọng
những vụ ly hôn" ;
“- …” – và cũng còn nhiều nữa.
Cách nói như thế sai từ căn bản khoa học của phép so sánh và hệ quả là tối nghĩa trong so sánh : Sai là bởi vì một khái niệm so sánh rất hẹp – và vì vậy không thể hiểu và suy diễn khác được – trong Vật lý đã được dùng tùy tiện trong các lĩnh vực khác cho những đối tượng hoàn toàn khác; tệ hơn nữa là còn Sai cả về đơn vị đo của đại lượng Tỷ trọng. Tối nghĩa là bởi vì Tỷ trọng so sánh tương đối giữa hai đối tượng độc lập với nhau, còn trong những câu trích dẫn nêu trên thực chất là sự so sánh tương đối giữa một đối tượng phụ thuộc với một tập hợp gồm nhiều đối tượng trong đó có cả đối tượng phụ thuộc đang xét; và cũng bởi vì đã sai rồi nên nó không còn là tối nghĩa nữa mà là vô nghĩa.
Tôi tự hỏi : Tại sao từ Tỷ lệ vừa đúng chỗ vừa giản dị-dễ hiểu trong so sánh và vốn đã được dùng từ bao đời nay rồi mà giờ đây lại bị chê dùng đến thế ? Có lẽ bởi vì một vài HỌC giả muốn thể hiện mình với người đời nên phải chọn những từ lạ, nghe kêu vang chăng ? Với kiểu này, sẽ còn có nhiều từ để dùng cho lạ, cho kêu vang :
“- Tỷ khối công nghiệp chiếm ...% trong tổng sản phẩm quốc nội “ ;
“- Ở một vài địa phương, số hộ nghèo vẫn còn nhiều - chiếm tỷ khối trên ...% “ ;
“- Số học sinh bỏ học còn chiếm tỷ khối đáng buồn - ...%“ ;
“- Lưu thông tiền mặt chiếm tỷ khối lớn trong hoạt động kinh tế – trên ...%” ;
Và :
"- Cô ấy được bình chọn là Người có thể hình đẹp nhất vì vòng ba chiếm Tỷ khối quyết định ";
"- Tình dục là yếu tố giúp duy trì quan hệ bền chặt của các cặp vợ chồng, giúp giảm Tỷ khối
những vụ ly hôn ".
Qua Internet, tôi vẫn còn tìm được niềm an ủi rằng Thế giới vẫn dùng duy nhất từ Tỷ lệ trong so sánh chứ không phải là Tỷ trọng.
theo nguồn : orbitec.vn